Đền Hà Trung

Đền Hà Trung có từ lâu đời, lúc đó chỉ là 1 ngôi đền nhỏ; năm 1933 nhân dân đóng góp tiền của xây dựng lại Đền lớn hơn. Đền khi ấy được gọi là Lán Kẽm. Khoảng năm 1964 giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc trong đó có thị xã Hòn Gai và thị trấn Hà Lầm; trường học buộc phải sơ tán và Đền là trường học của học sinh. Từ đó “Lán Kẽm” được gọi là Trường Đền. Năm 1981 Thị trấn Hà Lầm được tách ra làm 3 phường: Phường Hà Khánh, phường Hà Lầm và phường Hà Trung, Đền nằm trên địa phận phường Hà Trung nên được gọi theo tên địa danh của phường là Đền Hà Trung.

BẢN LƯỢC KÊ LÝ LỊCH - HIỆN VẬT

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐỀN HÀ TRUNG

I. TÊN GỌI DI TÍCH:

- Tên thường gọi: Đền Hà Trung

- Tên gọi khác: Đền Lán Kẽm, Trường Đền

- Nguồn gốc tên gọi: Theo lời kể của các cụ cao tuổi còn sống tại địa phương thì Đền Hà Trung có từ lâu đời, lúc đó chỉ là 1 ngôi đền nhỏ; năm 1933 nhân dân đóng góp tiền của xây dựng lại Đền lớn hơn. Đền khi ấy được gọi là Lán Kẽm. Khoảng năm 1964 giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc trong đó có thị xã Hòn Gai và thị trấn Hà Lầm; trường học buộc phải sơ tán và Đền là trường học của học sinh. Từ đó “Lán Kẽm” được gọi là Trường Đền. Năm 1981 Thị trấn Hà Lầm được tách ra làm 3 phường: Phường Hà Khánh, phường Hà Lầm và phường Hà Trung, Đền nằm trên địa phận phường Hà Trung nên được gọi theo tên địa danh của phường là Đền Hà Trung.

II. ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

1. ĐỊA ĐIỂM:

- Địa danh mới: Phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

- Địa danh cũ: Thị trấn Hà Lầm, thị xã Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh

2. ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH:

Từ cầu Bãi cháy đi theo quốc lộ 18A đến ngã ba Cứu hoả đi thẳng theo đường tỉnh lộ 336 (qua địa bàn phường Cao Thắng, Hà Lầm) khoảng 5 km, đến địa bàn phường Hà Trung. Đền Hà Trung bên trái đường tỉnh lộ 336 (cách trụ sở UBND phường Hà Trung 500 m).

 Hoặc từ cầu Bãi Cháy, theo quốc lộ 18A đến Cầu Trắng (cột 8) rẽ trái, đi 2,5 km về phường Hà Trung (qua trụ sở phường 500 m) là đến Đền Hà Trung.

3. LOẠI HÌNH DI TÍCH:

Vừa là Đền, là nơi thành lập chi bộ Đảng, trường học, chợ và là trung tâm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư, là trụ sở ủy ban nhân dân phường. Đền Hà trung còn thể hiện vai trò lịch sử to lớn của mình qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả khi hòa bình lập lại cho đến tận ngày nay. Vì vậy, Đền Hà Trung thuộc loại hình di tích lịch sử.

        4. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH:

Theo lời kể của các cụ cao tuổi thì đền Hà Trung được khởi dựng từ thời Nguyễn (đền còn lưu giữ một số hiện vật mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn), lúc đó chỉ là một công trình nhỏ, nằm trong một khuôn viện rộng khoảng 300m2.

Trải qua thời gian, biến cố lịch sử Đền Hà Trung không chỉ là nơi thờ thánh, thần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân mà có lúc còn là trường học, là nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, là trụ sở ủy ban nhân dân phường.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Đền là chi bộ Vùng mỏ (do đồng chí Nguyễn Văn Cơ làm Bí thư) để lãnh đạo các cuộc đấu tranh của nhân dân vùng mỏ. Sau khi phong trào bị đàn áp, chi bộ tan rã Đền lại trở về là nơi thờ cúng của nhân dân. Năm 1981, thị trấn Hà Lầm tách ra làm hai phường Hà Lầm và Hà Trung, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, UBND phường Hà Trung chưa có nơi làm việc, Đền Hà Trung là trụ sở UBND phường. Năm 1985, UBND phường Hà Trung chuyển trụ sở về vị trí hiện nay, Đền ít được quan tâm, khoảng đất rộng bên cạnh Đền nhân dân làm chợ tạm, Đền trở thành kho chứa hàng của các tư nhân buôn bán. Năm 1986, chợ được chuyển đến vị trí mới. Năm 2004, khu 5 chưa có nhà văn hoá, Đền lại được lấy làm nơi sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư, là nơi tổ chức các lớp học phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Năm 2009, khu 5 xây dựng nhà văn hoá. Đền được nhân dân đóng góp tu sửa lại làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng.

Năm 2016, Dự án cải tạo, nâng cấp đường Tỉnh lộ 336 được triển khai, Đền Hà Trung chính thức được khởi công xây mới bằng nguồn ngân sách của thành phố Hạ Long và được khánh thành ngày 23 tháng 6 năm 2019 như hiện nay ( diện tích đất 176 m2, diện tích xây dựng Đền 9.35 x 8.0 = 74,8  m2)

Truyền thuyết liên quan đến các vị thánh tại Đền:

* Đức Thánh Trần:

Trong hệ thống thần linh của người Việt, Đức Thánh Trần là một nhân thần - một vị THẦN-NGƯỜI có thật trong lịch sử. Ông mang tên tuổi, quê quán gốc tích, hành trạng khá đầy đủ. Việc dân chúng nhiều đời suy tôn ông, huyền thoại hóa cuộc đời ông, dù màu sắc dân gian có đậm nét đến thế nào cũng vẫn bắt nguồn từ những tư liệu xác thực của lịch sử.

Truyền thuyết kể rằng: Mẹ Trần Hưng Đạo là Thiện Đạo quốc Mẫu nằm mơ thấy có "Thanh tiên đồng tử" (một số sách chép là "em bé áo xanh") đầu thai xin được làm con. Lúc bấy giờ có một người tên là Nguyễn Sĩ Thành đã chết, tự nhiên sống lại, kể chuyện mình đã nghe khi ở trên trời: ở huyện Đông Triều có người con gái họ Nguyễn, vợ của một thương khách ở Phúc Kiến, mơ thấy giao hợp với rồng, về sau đẻ ra một đứa con- chính là kẻ sau này gây loạn cho đất nước. Thượng đế nghe tin, bèn cho Thanh tiên đồng tử có Kim đồng Ngọc nữ hộ vệ đi xe mây xuống phương Nam trừ họa giúp dân lành.

Trùng hợp với chi tiết này, theo "Ngọc phả nhà Trần" thì Việt điện u linh chép: "Thời kỳ đầu của nhà Trần, ở địa phận sao Dực, sao Chẩn có một dải khí trắng bốc lên đến trời. Thần Tản Viên thấy thế biết tới đây sẽ có nạn ngoại xâm, bèn tâu lên Thượng đế. Thượng đế hỏi "Ai có thể vì Trẫm quét sạch dải khí trắng đó, sẽ cho mang theo phi thần kiếm, cờ ấn, tam bảo của Lão Tử, Ngũ tài của Thái công giáng hạ vào nhà thân vương làm một vị danh tướng khi mất trở thành phúc thần không?  Bấy giờ có Thanh tiên đồng tử xin đi".

Nhiều tài liệu khác ghi, khi Trần Hưng Đạo ra đời, trong nhà tràn ngập hương thơm và ánh sáng. Một vị đạo sĩ, do coi thiên văn thấy có một vị tướng tinh rơi xuống, liền đến xem mặt Trần Quốc Tuấn. Khi nhìn thấy, vị đạo sĩ vội lui xuống, vái lạy nói: "Người này tốt lắm, về sau cứu nước giúp đời làm sáng sủa cho non sông đó". Vương đầy một tuổi đã biết nói, năm, sáu tuổi đã biết làm thơ ngụ ngôn, bày chơi đồ bát trận, thông minh xuất chúng.

Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn. Ông sống trọn vẹn trong thế kỷ XIII, mất ngày 20 tháng Tám, không rõ thọ bao nhiêu tuổi. Căn cứ vào gia phả họ Trần, các thư tịch Hán Nôm, có thể có nhiều giả thuyết khác nhau. Nhưng dựa trên tuổi của thân phụ-thân mẫu, anh trai, năm lập gia đình và đặc biệt là năm tham gia trận mạc, người ta dự đoán ông sinh trong khoảng từ 1230 - 1234, nghĩa là ông ra đời sau khi nhà Trần đã khởi nghiệp (1226) và phụng sự bốn đời vua Trần thịnh trị nhất.

Với dòng dõi tôn thất, ông là con trai thứ của Trần Liễu, anh trai vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Lúc mới sinh "có người thầy tướng trông thấy bảo rằng ''Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời''. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, xem khắp các sách, có tài văn võ" . Ông soạn sách Binh thư yếu lược (Đại Việt sử ký toàn thư gọi là Binh gia diệu lý yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Chiến lược quân sự của Trần Quốc Tuấn là chiến lược sáng tạo hợp lý với những dân tộc nhỏ yếu trong cuộc đấu tranh chống một kẻ thù mạnh hơn gấp bội.

Trần Quốc Tuấn không chỉ là một nhà lý luận quân sự giỏi, mà còn là một vị tướng tài ba nơi trận mạc. Chức vụ thống lĩnh quân đội do vua phong đã được ông gánh vác xuất sắc và đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thắng lợi rực rỡ của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần hai và lần ba.

Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương). Theo tín ngưỡng thờ Thánh người ta gọi ông là Đức Thánh Trần đã nhiều lần được nhận sắc phong Thượng đẳng tối linh thần của các vương triều, được Nhà nước chính thức đưa vào thờ phụng trong các đền miếu. Sách Đại Nam nhất thống chí hay Nam Định dư địa chí đều chép: "Năm Minh Mạng thứ 4, cho được thờ vào miếu đế vương các đời. Năm Minh Mạng thứ 16, cho được thờ vào vũ miếu". Nhưng sắc phong lớn nhất mà người dân Việt trong suốt nhiều thế kỷ qua đã phong tặng là ĐỨC THÁNH TRẦN, là VUA CHA, là ĐẾ. Cũng vì thế, Đức Thánh Trần đã có ảnh hưởng khá lớn trong chiều sâu tâm tưởng và đời sống hàng ngày của những người dân lao động đất Việt. Các đền thờ ông ở đâu cũng có. Đền lấy ông làm thần chủ thờ trong Đền

* Tam tòa Thánh Mẫu (hệ sáng tạo ra mọi vật):

- Mẫu Thượng Thiên (còn gọi là Mẫu Đệ Nhất) cai quản miền trời. Mẫu Thượng Thiên trong quan niệm của dân gian về Tứ Pháp gồm có: Pháp vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi, đó là 4 vị nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước.

- Mẫu Thượng Ngàn (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị) cai quản miền rừng núi. Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú. Bà đã có công dạy những người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh…

- Mẫu Thoải (gọi mẫu Thủy - còn gọi là Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước. Mẫu Thoải gắn với đời sống thủy sinh của dân tộc Việt từ xa xưa, liên quan trực tiếp tới Thủy Tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước.

* Thờ anh linh các anh hùng liệt sỹ

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1432